Làm ăn xa nhà có nhất thiết phải về quê ăn Tết

Xóm trọ hì hục cả mấy tuần nay, bàn ra bàn vào chuyện năm nay có nên về quê ăn Tết hay không. Ấy vậy mà cũng còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết rồi, câu chuyện gây tranh cãi vẫn âm ỉ, hằn lên nét mặt của người sống trong xóm trọ mỗi khi ai đó nhắc đến Tết.

Hai vợ chồng ở góc trong cùng dãy trọ
Gạt chiếc chân chống xe máy xuống, anh chồng tan ca đi làm về cùng hai tô hủ tiếu như mọi ngày. Hai vợ chồng lại ngồi ăn cặm cụi và câu chuyện về quê ăn Tết bắt đầu từ đây.

Anh chị cưới nhau được 2 năm, chưa có con và đang làm công nhân ở khu công nghiệp gần đây. Tôi còn nhớ như in, năm ngoái tầm tháng Chạp này, anh chị có hỏi tôi về việc có nên về quê hay không. Bởi lương công nhân chắt chiu cả tháng, hai vợ chồng chỉ đủ tiền sinh hoạt, tiền nhà và chỉ dư dả một ít. Đến cuối năm, anh chị khá đắn đo cho việc về quê nội - ngoại ăn Tết.

Một năm Tết đến một lần, anh chị lại mới cưới nhau, nên năm ngoái mình đã khuyên anh chị nên về. Quà biếu bố mẹ hai bên cũng phải chuẩn bị đầy đủ dù là ít ỏi đến đâu. Vậy mà mới thoáng chốc, Tết năm nay lại đến sát vách. Anh chị lại rục rịch chuyện vé xe, quà cáp biếu Tết nữa rồi.

Nhưng năm rồi dịch dã, Sài Gòn đóng cửa tạm thời khu công nghiệp cũng nhiều, và chỗ anh chị làm cũng không ngoại lệ. Đồng lương ít ỏi dành dụm đầu năm thì đợt dịch tháng 8 vừa rồi cũng đã chi tiêu gần hết. Một tháng trở lại đây, hai người cật lực tăng ca mà vẫn gọi là đủ ăn, không đồng dư. Thế nên, tôi đã khuyên anh chị ở lại Sài Gòn làm Tết, kiếm công việc làm thêm để tích góp. Có thể thay bằng những cuộc gọi video hỏi thăm chúc Tết gia đình, họ hàng.

Và thế là hai vợ chồng lại ngẫm nghĩ thật lâu,... Có lẽ năm nay họ không về quê ăn Tết.


xem ngay: Tết 2022: Người lao động nhận được hỗ trợ 300.000 đồng/người


Anh thanh niên độc thân ở trọ đối diện
Một góc nhìn khác của con người đi làm xa quê, vào Nam lập nghiệp. Không biết anh đã ở khu trọ này từ khi nào, tôi vào đây đã được 2 năm và thấy anh đã “cắm rễ” ở đấy. Khu trọ nơi tôi ở có lẽ là giao lộ đậm chất của Sài Gòn. Đâu đó hơn 10 phòng nhưng người 3 miền có đủ, hoàn cảnh nào cũng có.

Công việc anh đâu đó thuộc vào dạng lương khá, vấn đề tài chính đối với anh chưa là vấn đề lớn. Nhưng theo lời anh kể thì từ hồi vào Nam lập nghiệp đến giờ, anh chưa về ăn Tết với gia đình lần nào cả.

Tuy duy của anh theo kiểu, mỗi năm xin nghỉ phép về với gia đình đâu đó 15 ngày vậy là đủ. Lễ Tết xe cộ quá đông, chi phí đi lại cũng lớn. Thay vì thế dành số tiền đó để mình mua được nhiều quà như thuốc men, thuốc bổ, sữa,... cho cha mẹ, các cháu ở nhà. Thương cha mẹ không có nghĩa là Tết nào cũng phải về, sự hiếu thảo nằm ở cái tâm luôn hướng về họ, nghĩ về họ.

Có lần anh chia sẻ, anh không ngại việc chi tiêu cho các khoản về sức khỏe người thân. Nhưng anh ngại dịp Tết là câu hỏi: “Bao giờ lấy vợ?”. Từ hồi tốt nghiệp đại học và đi làm đến giờ, năm nào mọi người cũng mỗi một câu hỏi lặp lại. Anh thấy đâu đó có sự áp lực tâm lý ở đây. Anh vẫn cười đùa và chia sẻ như thế cho cả khu trọ.

Năm nay có lẽ như mọi năm, anh sẽ không về quê ăn Tết.

Đại gia đình nhỏ trong căn phòng trọ to nhất
Hai đứa trẻ kháu khỉnh được cả khu trọ thương là con hai anh chị ở căn phòng trọ to nhất. Năm trước tôi còn thấy cả nhà tay sắm sửa áo quần, xếp đồ vào vali và book vé đi du lịch dịp Tết. Họ chọn cách mà không ai trong khu trọ tôi chọn cả. Đó là dành tiền cả năm trời để cho các con có chuyến du lịch du xuân.

Nhìn cách họ sống, tận hưởng và chăm chút cuộc sống của cá nhân và đại gia đình họ mà người trẻ như tôi lại thèm. Bất cứ năm nào Tết đến cũng là một lịch trình tham quan những điểm đến mới, vùng đất mới. Bọn trẻ có dịp khám phá nhiều thứ, về lắp bắp kể những kỉ niệm mà ai cũng mê.

Họ lại biết tận dụng những dịp nghỉ hè để đưa các cháu về quê thăm ông bà nội ngoại. Thay phiên đều cho các năm, và cứ như thế, Tết đến họ chẳng âu lo điều gì. Tết với họ là dịp nghỉ ngơi cho bản thân, gia đình nhỏ sau một năm làm việc vất vả - chỉ đơn giản là vậy.

Và Tết năm nay, không biết họ sẽ du lịch ở đâu?
 
Bên trên