Thuyền trăng và nghị lực của một người bệnh phong ở Quy Hòa, Bình Định

Kienyei

Member
Đó là chiếc thuyền hình bán nguyệt, làm từ những chiếc thùng phuy nhựa với những cải tiến phù hợp cho người bệnh phong mưu sinh nơi vùng biển bãi ngang Quy Hòa.
Người làm ra thuyền trăng là ông Lê Văn Chín (56 tuổi), là bệnh nhân phong sinh sống ở Quy Hòa, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.



Thuyền trăng vươn khơi
Vào làng phong Quy Hòa, hỏi thăm nhà ông Chín thuyền trăng, phóng viên được dẫn tới một ngôi nhà nằm ở phía ngoài khu điều trị của bệnh viện.
Trước sân nhà ông Chín bày ra những phuy nhựa, cước, tre, máy… chuẩn bị cho một chiếc thuyền trăng sắp sửa ra đời. Tên gọi thuyền trăng là cách ông gọi mô phỏng theo hình dáng bán nguyệt của chiếc thuyền.

Trò chuyện với PV PLO, ông Chín nói mình làm thuyền trăng từ năm 2019, đến nay ông bán ra thị trường khoảng 60 chiếc. Thuyền làm từ chất liệu là nhựa thùng phuy (loại nhựa này tốt, bền chống thấm nước, có độ đàn hồi nên chịu được va đập của sóng gió), tre, cước…

Thiết kế của thuyền trăng có thay đổi một số chi tiết, giảm tối đa các góc nhọn, trọng lượng nhẹ hơn và có thể gắn động cơ. Thuyền trăng phù hợp cho người dân vùng biển bãi ngang, có thể hoạt động trong vùng ven bờ, cách đất liền khoảng 2-3 hải lý. Một chiếc thuyền trăng hoàn thiện có giá từ 6,5-7 triệu đồng/chiếc.
Theo ông Chín, thuyền trăng có tuổi thọ chừng 10 năm, về điểm này hơn hẳn thuyền làm từ nan tre trước đây tới hai, ba lần. Thuyền rất nhẹ nên khi cần đưa lên bờ bảo quản, duy tu rất dễ dàng.

"Tôi vừa làm vừa nghe người dùng phản ảnh, gợi ý để hoàn thiện sản phẩm. Thuyền trăng đến giờ gần như chỉ dành cho bà con trong làng phong Quy Hòa, họ cũng chỉ ở quanh quẩn gần đây nên nhiều chiếc tôi dụng công thiết kế để làm sao đó phù hợp với chính cá nhân người dùng, 30 chiếc thuyền trăng cho bà con Quy Hòa có thể nói là đo ni đóng thuyền” - ông Chín cười ví von.

Nghị lực vươn lên
Ông Chín làm ra thuyền trăng xuất phát từ hoàn cảnh thực tế và cuộc sống của những người bệnh phong ở Quy Hòa.

Ông Chín quê ở Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), năm 13 tuổi ông phát hiện ra mình bị bệnh phong. Gia đình đưa ông từ Phan Thiết ra Quy Hòa điều trị. Tính từ năm 1981 tới nay, ông Chín gắn bó với làng phong Quy Hòa hơn 40 năm.

Theo ông Chín, dù được chữa trị lành bệnh, người bệnh phong vẫn mang trong mình nhiều nỗi niềm khó nói. Ông chọn Quy Hòa làm quê hương thứ hai của mình và như khá nhiều người đồng cảnh ngộ, ông gắn bó với thung lũng Quy Hòa và mưu sinh với nghề đánh cá.

Sức khỏe suy giảm nên việc đi lưới bằng những chiếc thuyền nan tre khó khăn cho người bệnh như tăng lên gấp bội.

“Bình thường đưa thuyền lên xuống đã khó, nhằm lúc mưa gió thì càng cực. Chưa kể, năm nào cũng mang thuyền đi xảm lại dầu rái, tốn kém chi phí khá nhiều. Bất tiện của tôi là bất tiện của những người bệnh phong ở đây. Do vậy, tôi trằn trọc nghĩ ra một cái thuyền nó nhẹ hơn, tiện hơn, bền hơn - thuyền trăng ra đời từ đó” - ông Chín kể.

Cả cuộc trò chuyện, ông Chín kéo chúng tôi về gần hơn với cuộc sống của cư dân ở làng phong thuở trước. Với ông Chín, làm thuyền trăng không phải để kiếm tiền, làm kinh tế, mà để giúp chính người bệnh phong như ông vơi đi nhọc nhằn.

Người mua thuyền trăng là cư dân ở trong xóm nhỏ nơi những bệnh nhân phong quần cư. Và khi ông làm thuyền trăng, ông chưa bao giờ nghĩ có thể lấy lãi nhiều từ những người đồng cảnh ngộ.

“Khi tôi làm ra chiếc thuyền bằng nhựa thùng phuy và liên tục cải tiến nó, bật trong suy nghĩ của tôi cho đến giờ vẫn là với chiếc thuyền bà con mình sẽ ra biển nhẹ nhàng hơn, bớt nhọc nhằn hơn cho mọi người, trong tôi chỉ có thế thôi”- ông Chín chia sẻ.

Từ suy nghĩ ban đầu là tạo ra chiếc thuyền nào nhẹ hơn, bền hơn để người bệnh phong có thể xoay sở tốt hơn, ông Chín đã làm ra được ba mẫu thuyền khác nhau gồm thuyền nhọn, thuyền nôi, thuyền nôi mũi cao.

Hai loại thuyền nôi và thuyền nôi mũi cao là dành riêng cho những cư dân ở làng phong. Còn mẫu thuyền nhọn ông làm theo đơn hàng của những ngư dân ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Họ biết đến loại thuyền này từ những bản tin, phóng sự đưa trên báo đài, tìm đến để đặt hàng.

Dạo quanh làng phong Quy Hòa, mùa này biển động, những chiếc thuyền trăng được đưa gọn lên bãi cát. Hỏi chuyện người dân về làng phong về thuyền trăng, nhiều gia đình ở đây vui vẻ nói rằng nhờ chiếc thuyền kiểu mới này mà nghề biển với người bệnh phong bớt nhọc nhằn hơn.

"Thuyền đủ lớn, gắn động cơ máy nên thuận lợi lắm. Nhờ vào những điểm vượt trội này mà tôi có thể đi đánh nhiều loại cá hơn, rút được lưới mành ruốc nữa. Mà quan trọng nhất là thuyền trăng rất bền, một lần mua dễ đến 10 năm dùng. Ít chi phí cho việc duy tu, sửa chữa, vậy là đã giảm đi gánh nặng rồi. Nên đi lưới được nhiều thì vui nhiều, dù ít cũng không hề hấn chi. Vì ở đây, người bệnh phong như chúng tôi không đi lưới kiếm con cá, con tôm thì cũng khó có việc gì làm thêm" - ông Trương Văn Tèo, một “cư dân” ở làng phong Quy Hòa, nói.

Chia sẻ về tình cảm trong gia đình, bà Võ Thị Thuỷ, vợ ông Lê Văn Chín tâm sự: "Ngày gặp chồng tôi, tôi thương ổng (ông Chín) chịu thương chịu khó. Dù đối mặt với bệnh tật nhưng ông không vì thế mà oán trách số phận, ngược lại ông nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh. Từ sự quan tâm, chia sẻ rồi tình yêu cứ thế lớn lên trong tôi.

Chúng tôi về sống một nhà, chào họ hàng và ra mắt gia đình bằng một bữa trà, bánh đơn sơ mà ấm cúng. Có lẽ trời thương nên vợ chồng tôi lấy nhau sinh được ba đứa con khỏe mạnh, nay chúng đều lớn thành gia lập thấp cả rồi. Cháu nội cháu ngoại đủ đầy, với tôi đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời này. Trước đây nhiều người còn e ngại, chứ nay ở đây người khỏe mạnh với người bị bệnh phong sống chan hòa với nhau mà!".

Xem trực tiếp tin tại đây.

Nguồn tin: Báo Pháp Luật TP.HCM
49246
 
Bên trên